Chiều ngày 18-7, tại TPHCM, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) thuộc Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch tại TPHCM để xác định những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch và phương án giải quyết. Đây là một trong những hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia mà Cục KSTTHC và Liên đoàn Luật sư Việt Nam là thành viên, nhằm tháo gỡ các TTHC cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Lê Hồng Nam, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, liệt kê 10 TTHC không cần thiết, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, chủ yếu là từ Nghị định 117/2007/NĐ-CP, và đề nghị bãi bỏ năm thủ tục. Dễ nhận thấy nhất là thủ tục lựa chọn đơn vị cấp nước, nghị định 117 ghi: “Đối với địa bàn đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện nhiệm vụ cấp nước thì tổ chức, cá nhân đó được chỉ định là đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn”, vô hình trung tạo cơ chế độc quyền, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như giá nước cho người tiêu dùng. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị thực hiện đấu thầu trong lựa chọn đơn vị cấp nước theo Luật đấu thầu và các văn bản có liên quan.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Bến Thành, ngành cấp nước có đặc thù riêng, dưới tầng đất ngầm đã có rất nhiều công trình hạ tầng như thoát nước, điện, viễn thông… nên các công ty khác muốn lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước để cạnh tranh là rất khó. Tuy nhiên, ông Phúc cũng hoan nghênh việc áp dụng luật đấu thầu vào ngành cấp nước để xã hội hóa, cho phép các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu kinh doanh theo từng cụm dân cư.
Theo ông Phúc, hiện nay hệ thống cấp nước có nhiều đường ống cũ, gây thất thoát nước, nếu cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu xây dựng đường ống mới và cho khai thác vĩnh viễn cũng được. Song xây dựng một hệ thống cấp nước cho một cụm dân cư lớn mất không dưới 100 tỉ đồng, với giá bán nước hiện nay thì không biết bao giờ mới lấy lại vốn.
Ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho rằng sửa đổi Nghị định 117 là thiện ý nhưng có sửa hay không thì vẫn vậy, vì nghị định không có những chế tài cụ thể, các doanh nghiệp cấp nước và khách hàng có thực hiện hay không cũng không bị làm sao. Ngoài Nghị định 117, các công ty kinh doanh nước sạch TPHCM phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp bởi Quyết định 20 của UBND TPHCM, mà Quyết định 20 tuy ra sau nhưng lại lạc hậu hơn cả Nghị định 117.
Điều ông Quang bức xúc nhất là giá bán nước mà các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch TPHCM đề xuất lên ba năm nay vẫn chưa được duyệt. “Giá bán nước chúng tôi xây dựng cách đây ba năm với chi phí sản xuất được tính vào thời điểm đó. Nay các chi phí đã tăng, nếu bây giờ được duyệt cũng chẳng có nhiều ý nghĩa. Đề nghị cho chúng tôi được tự xây dựng giá bán nước theo một khung giá nước xác định, để tùy từng địa bàn, chúng tôi có thể bán nước với những mức giá khác nhau”, ông Quang nói.
Dù đã có Luật tài nguyên nước được ban hành năm 2012 nhưng ông Nguyễn Thanh Sử, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho rằng vẫn cần có một đạo luật về kinh doanh nước sạch như một số nước trên thế giới đã có để quản lý, chế tài, xây dựng khung giá, xác định cách tính nước đồng bộ trên phạm vi cả nước.
“Nước là nguồn tài nguyên, cần có một hành lang pháp lý cao hơn như một đạo luật về kinh doanh nước sạch để tránh quản lý chồng chéo, mỗi địa phương một kiểu, đó cũng cách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên nước tốt nhất”, ông Sử nói.
theo saigontimes.vn